05/04/2025 4:54 chiều
Đây là tổng quan về cách tiếp cận chiến lược đầu tư cổ tức. Bài viết trình bày chi tiết từng bước giúp nhà đầu tư dễ dàn tiếp cận.

Có đủ tài sản tạo ra thu nhập thụ động có thể giúp bạn sung túc hơn, hoặc ít nhất là đầy đủ mà không cần phải “chấm công” hằng ngày nữa. Đầu tư cổ tức sẽ giúp bạn đạt được điều này.

Một trong những lý do tại sao những người giàu thường nghỉ hưu sớm mà không cần phải thay đổi lối sống của họ. Những người này có đủ các loại tài sản để kiếm tiền thụ động theo định kỳ.

Khi nói đến tài sản tạo thu nhập, thì “càng nhiều càng tốt!”. Trên thực tế, có nhiều nguồn thu nhập là cách tốt nhất để tạo cảm giác an tâm khi những rắc rối có thể đến bất cứ lúc nào.

I. Cổ phiếu trả cổ tức, tài sản tạo thu nhập thụ động dễ dàng

Cổ phiếu trả cổ tức là một trong những tài sản tạo thu nhập dễ dàng nhất. Bạn có thể bắt đầu với một số tiền nhỏ. Điều khác biệt giữa cổ phiếu chia cổ tức với các loại khác là chúng trả cổ tức hoặc thu nhập định kỳ cho các nhà đầu tư nắm giữ chúng.

Cổ phiếu chia cổ tức thường được phát hành bởi các công ty đã trưởng thành và có lợi nhuận cao. Vì vậy chúng được coi là ít rủi ro. Nhiều loại cổ phiếu từ các lĩnh vực hoặc các quỹ ETF cũng đều có thể mang lại cổ tức. Bạn có thể tạo 1 danh mục đầu tư đa dạng phù hợp với nhu cầu của mình.

đầu tư cổ tức

II. 5 bước tiếp cận với chiến lược đầu tư cổ tức bền vững

Bắt đầu với việc suy nghĩ như chủ của doanh nghiệp

dau-tu-co-tuc-hinh2

Trong chương trình “Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023” với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy” số đầu tiên. Giám đốc Đầu tư Quỹ VESAF, bà Nguyễn Hoài Phương có chia sẻ, một trong những tâm đắc của bà trong quá trình lựa chọn doanh nghiệp để cùng đồng hành là “nhìn doanh nghiệp như chính họ”. Đây cũng là cách mà tôi thường vận dụng quá trình phân tích doanh nghiệp của mình.

Nhiều nhà đầu tư mới thường chỉ tập trung vào biến động của giá cổ phiếu. Bên cạnh đó là vòng quay với vô số các tin tức trôi nổi trên thị trường.

Tuy nhiên, việc đặt biến động giá cổ phiếu lên hàng đầu là một ý tưởng tồi. Vì nó bỏ qua một thực tế rằng các cổ đông (những người nắm giữ cổ phiếu) cũng là chủ sở hữu doanh nghiệp. Theo đúng nghĩa đen.

Điều này cực kỳ quan trọng. Bởi vì khi bạn đánh giá doanh nghiệp với góc nhìn là chủ doanh nghiệp. Nó sẽ thay đổi cách suy nghĩ của bạn.

Giả sử bạn trúng xổ số và quyết định mua lại toàn bộ CTCP FPT (HOSE: FPT). Bây giờ, khi là người chủ sở hữu doanh nghiệp, điều bạn quan tâm là gì? Liệu bạn có dành phần lớn thời gian để quan sát và lo lắng về biến động của giá cổ phiếu không?

Lúc đó, những thứ bạn bắt buộc phải quan tâm sẽ bao gồm:

  • FPT đã kiếm được bao nhiêu doanh thu vào năm trước? Lợi nhuận là bao nhiêu?
  • Chiến lược của công ty là gì? Doanh nghiệp đang phát triển như thế nào so với chiến lược đó?
  • Công ty sẽ làm gì với lợi nhuận tạo ra được? Tiếp tục tái đầu tư, cả cổ tức, hay giữ lại phần lợi nhuận đó?
  • Các đối thủ cạnh tranh đang làm gì?
  • Triển vọng cho ngành trong trung và dài hạn là gì?
  • Tỷ suất lợi nhuận tạo ra cao hay thấp, có tăng trưởng so với quá khứ, và liệu rằng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai hay không?

Những nguyên tắc cơ bản về kinh doanh này là điều mà các chủ doanh nghiệp tập trung vào. Bởi vì đó là cách họ đánh giá tiến độ của các công ty mà họ sở hữu. Những nguyên tắc cơ bản này cũng giúp các chủ doanh nghiệp định giá doanh nghiệp của họ.

Trên cơ sở đó, ta nên tập trung vào các nguyên tắc cơ bản hơn là các biến động của giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Bước 1: Xác định cổ phiếu chất lượng có sự tăng trưởng

dau-tu-co-tuc-hinh3

Câu hỏi đặt ra lúc này là nên đầu tư vào loại doanh nghiệp như thế nào?

Hầu hết các nhà đầu tư cổ tức đều tập trung vào sự kết hợp tốt giữa hai yếu tố chính:

  • Tỷ suất cổ tức
  • Mức độ tăng trưởng cổ tức.

Vì vậy cách tiếp cận tốt là hãy tập trung vào các công ty chất lượng cao, có tỷ suất trả cổ tức cao và tăng dần qua các năm.

Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty đều có khả năng tăng trưởng cổ tức một cách bền vững trong dài hạn. Những công ty thuộc nhóm này có hai đặc điểm chính:

  • Chất lượng tốt
  • Khả năng phòng thủ cao.

Nhận diện Cổ phiếu chất lượng (Quality stock)

Hầu hết các công ty chất lượng đều có lợi thế cạnh tranh lâu dài so với các công ty cùng ngành. Những lợi thế cạnh tranh này cho phép họ chiếm thị phần lớn hoặc mở rộng sang các thị trường mới một cách dễ dàng hơn.

Bạn có thể tìm thấy các công ty chất lượng bằng cách sàng lọc dựa vào các tiêu chí sau:

(1) Các công ty tạo ra lợi nhuận cao liên tục

Một tiêu chí để chọn lọc các công ty chất lượng là họ có tỷ lệ hoàn vốn (ROC) cao.

Lợi nhuận cao là điều cần thiết. Doanh nghiệp có thể tận dụng khoản lợi nhuận này để tái đầu tư thay vì phải đi vay nợ, khiến rủi ro về chi phí tài chính tăng lên. Công ty tốt là những công ty có thể tự tài trợ để duy trì sự tăng trưởng với nợ vay thấp. Đồng thời tỷ suất chi trả cổ tức ngày càng tăng.

Các quy tắc trọng điểm liên quan đến lợi nhuận:

  • Chỉ đầu tư vào các công ty có tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROC) trên 10%. Tuy nhiên, tuỳ theo các ngành khác nhau mà bạn nên thiết lập một tỷ suất sinh lời một cách hợp lý.
  • Chỉ đầu tư vào các công ty có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cao hơn 5%.

Chi tiết về cách sử dụng chỉ số ROC để lọc cổ phiếu chất lượng tại đây.

(2) Các công ty tạo ra sự tăng trưởng chiến thắng lạm phát

Các công ty tạo ra lợi nhuận cao, có thể được sử dụng để tài trợ cho cổ tức và tăng trưởng. Vì vậy các doanh nghiệp nên có sự tăng trưởng tương đối ổn định về doanh thu, lợi nhuận và cả vốn chủ sở hữu.

Sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận thường xảy ra khi công ty chiếm thị phần từ các đối thủ cạnh tranh yếu hơn. Hoặc khi công ty chuyển sang các thị trường lân cận, có liên quan chặt chẽ với hoạt động kinh doanh cốt lõi hiện tại của công ty, tạo thành chuỗi giá trị bền vững.

Các quy tắc trọng điểm về sự tăng trưởng của doanh nghiệp:

  • Chỉ đầu tư vào các công ty có mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao hơn lạm phát trong ít nhất 3 năm gần nhất.
  • Chỉ đầu tư vào những công ty có khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và cổ tức trong 5-10 năm tới.

Ảnh hưởng của lạm phát đến cổ phiếu

(3) Các công ty đầu ngành có cấu trúc doanh thu tập trung

Nếu bạn muốn giành chiến thắng ở cấp độ cao nhất trong bất kỳ môn thể thao nào, bạn cần có sự kết hợp giữa tài năng và sự luyện tập chăm chỉ trong thời gian dài.

Chiến thắng trong kinh doanh cũng vậy. Khi tập trung vào một ngành chủ lực xuyên suốt trong nhiều năm sẽ khiến sự chuyên biệt hoá tăng lên. Việc này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty đó.

Trong hầu hết các trường hợp, các công ty chất lượng luôn dành nhiều thập kỷ để tập trung vào một ngành, cung cấp cho khách hàng một nhóm sản phẩm và dịch vụ nhất định.

Vì vậy, khi tìm kiếm một công ty chất lượng, bạn nên tìm kiếm một doanh nghiệp đã có hoạt động kinh doanh cốt lõi tập trung trong phạm vi hẹp qua nhiều năm.

(4) Các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững

Hầu hết các công ty chất lượng đều có các loại lợi thế cạnh tranh sau:

  • Hiệu ứng mạng lưới (Network Effects): Network Effects sẽ được tạo ra khi mô hình kinh doanh cho phép các người dùng có thể tương tác, nói chuyện, kết nối với nhau. Giá trị sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp sẽ tăng lên khi số lượng người dùng ngày càng tăng lên. Điều này thường dẫn đến sự thống trị thị trường giống như độc quyền.
  • Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp được hình thành qua một thời gian dài học tập, tích lũy của doanh nghiệp. Điều này không thể mua được trên thị trường, khó sao chép.
  • Dẫn đầu thị trường: Thường rất khó để đánh bại những người dẫn đầu thị trường. Họ được hưởng lợi từ quy mô kinh tế và sức mạnh thương hiệu. Cả hai đều hữu ích để thu hút cả nhân viên và khách hàng tài năng. 
  • Chi phí chuyển đổi làm lợi thế: Đây là một lợi thế cạnh tranh yếu nhưng nó vẫn hữu ích. Việc khách hàng ngại chuyển đổi sang các loại hàng hoá dịch vụ khác thay thế sẽ giúp giữ chân khách hàng.

Xác định các Cổ phiếu phòng thủ (Defensive Stock) 

Nếu một công ty dễ dàng phá sản khi nền kinh tế gặp khó khăn, thì những lợi thế cạnh tranh bền vững của nó cuối cùng cũng trở nên vô giá trị.

Vì vậy, bên cạnh chất lượng, hãy tìm kiếm các công ty phòng thủ với các tiêu chí sau:

(1) Cổ phiếu hoạt động trong ngành phòng thủ.

Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành ít nhạy cảm với những thăng trầm của nền kinh tế. Điển hình như các công ty cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm. 

Hãy so sánh nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra. Các mặt hàng như thực phẩm, điện, nước sẽ cần thiết hơn. Hay những mặt hàng xa xỉ như ô tô, trang sức sẽ cần thiết hơn.

(2) Cổ phiếu trong ngành tăng trưởng.

Một doanh nghiệp chất lượng cao, có tính cạnh tranh và hoạt động trong một ngành phòng thủ. Nhưng nếu ngành hàng đó không còn dư địa tăng trưởng. Hoặc tốc độ tăng trưởng âm, thì cuối cùng, thị trường sẽ khiến công ty đó thu hẹp lại.

Do đó, bạn nên tập trung vào các công ty hoạt động trong ngành có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Có thể kể tới như: công nghệ, năng lượng, bán lẻ…

Để chọn lọc được danh sách các ngành tăng trưởng, bạn có thể so sánh tốc độ tăng trưởng ngành với tốc độ tăng trưởng GDP. Hoặc so sánh tốc độ tăng trưởng giữa các ngành với nhau.

Bước 2: Ước tính giá trị hợp lý dựa trên cổ tức trong tương lai

dau-tu-co-tuc-hinh4

Khi mua cổ phiếu, tức là ta đang mua một phần của doanh nghiệp. Vì vậy, ta cần nên biết rõ giá trị của doanh nghiệp đó đang ở mức nào.

Khi một nhà đầu tư mua cổ phiếu, họ kỳ vọng nhận được hai loại dòng lợi nhuận bao gồm:

  • Dòng tiền từ cổ tức
  • Và dòng tiền lợi nhuận từ chênh lệch giá (mua giá thấp, bán giá cao).

Ta có thể dùng phương pháp chiết khấu dòng cổ tức (Dividend Discount Model – DDM) để ước tính giá trị hợp lý của công ty.

Việc áp dụng mô hình này không quá phức tạp như người ta tưởng. Tất cả những gì chúng ta cần làm là đưa ra một ước tính thực tế và thận trọng về dòng cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

Khi chúng ta làm điều đó, chúng ta có thể tính toán giá trị hiện tại của những khoản cổ tức tương lai đó bằng cách chiết khấu chúng theo tỷ lệ hoàn vốn trung bình dài hạn của thị trường.

* Bạn có thể tham khảo cách định giá bằng phương pháp này tại đây.

Bước 3: Mua khi có giá hợp lý

dau-tu-co-tuc-hinh5

Suy nghĩ giống như những chủ doanh nghiệp. Tìm ra các công ty chất lượng có tính phòng thủ mạnh. Sau đó dự phóng dòng cổ tức trong tương lai của nó. Cuối cùng là sử dụng chúng làm cơ sở để ước tính giá thị hợp lý cho cổ phiếu.

Bây giờ, chúng ta có thể xem xét giá thị trường của cổ phiếu. Đồng thời so sánh nó với giá trị mà chúng ta ước tính được.

Nếu giá cổ phiếu thấp hơn giá trị nội tại ta ước tính được, thì nó được cho là thích hợp để mua vào. Tuy nhiên, cần có một biên độ an toàn để có thể tránh khỏi những sai lầm và sự kiện bất ngờ.

Để đảm bảo tính an toàn, chúng ta có thể tự bảo vệ mình bằng cách:

  • Ước tính thận trọng về cổ tức trong tương lai.
  • Chỉ mua cổ phiếu khi thị giá thấp hơn giá trị nội tại ước tính.

Đây cũng là lúc câu thần chú “mua thấp và bán cao” phát huy tác dụng. Nếu chúng ta mua cổ phiếu ở mức giá thấp so với giá trị nội tại ước tính, chúng ta có thể đồng thời giảm rủi ro và tăng lợi nhuận kỳ vọng. 

Vậy biên độ an toàn này nên ở mức nào? Điều đó tùy thuộc vào bạn, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, biên độ an toàn 20% là mức tối thiểu. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, bạn có thể nới rộng biên độ này nên mức 30% và có thể hơn.

Bước 4: Đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro

dau-tu-co-tuc-hinh6

Khi bạn đã chọn được một công ty mạnh mẽ với mức định giá hấp dẫn (thị giá thấp hơn nhiều giá trị ước tính của bạn). Vậy, bạn nên đầu tư bao nhiêu tiền vào nó?

Bạn có thể đầu tư tất cả số tiền của mình vào một công ty, nhưng hầu hết mọi người sẽ nói rằng điều đó thật điên rồ.

Giới hạn tỷ trọng tối đa cho một cổ phiếu trong danh mục

Ví dụ: Tỷ lệ hoàn vốn mục tiêu của tôi là 10% mỗi năm. Nếu tôi đầu tư 50% danh mục đầu tư của mình vào một công ty và sau đó, công ty đó bị phá sản, rõ ràng là tôi sẽ lỗ 50%. Quan trọng hơn, 50% còn lại của danh mục đầu tư sẽ phải tăng trưởng 100% để đưa danh mục trở lại bình thường.

Với mục tiêu tăng trưởng 10% mỗi năm, khoản lỗ 50% đó có thể mất hơn bảy năm để bạn có thể hoàn lại số vốn đầu. Đồng nghĩa với việc phải mất bảy năm thu nhập chỉ vì một sai lầm.

  • Nguyên tắc: Tỷ trọng tối đa của một cổ phiếu không vượt quá khả năng danh mục đầu tư có thể phục hồi trong vòng một năm.

Với tỷ lệ hoàn vốn mục tiêu là 10%/năm, có nghĩa là quy mô vị thế tối đa là 10%. Nếu 10% số vốn của tôi được đầu tư vào một công ty sẽ phá sản vào ngày mai, thì 90% còn lại trong danh mục sẽ có thể phục hồi hoàn toàn khoản lỗ đó chỉ trong hơn một năm.

Nếu một vị thế vượt quá 10% (do giá cổ phiếu tăng mạnh), ta có thể cắt bớt vị thế (bán chốt lời) để tỷ trọng của cổ phiếu đó trở lại ở mức hợp lý. Khi đó, ta còn thu được một số lợi nhuận sớm.

Giới hạn số lượng nắm giữ tối đa và tối thiểu trong danh mục đầu tư cổ tức

Với kích thước vị trí tối đa là 10% như ví dụ trên (có thể thay đổi theo cấu trúc vốn và mục tiêu lợi nhuận của cá nhân), ta đã có giới hạn về số lượng nắm giữ tối thiểu là 10.

Vậy số lượng cổ phiếu tối đa mà bạn nên nắm giữ là bao nhiêu. Theo thuyết danh mục đầu tư hiện đại (modern portfolio theory), bạn sẽ tiến gần đến tối ưu hóa đa dạng danh mục khi có khoảng 15 – 20 cổ phiếu riêng lẻ trong danh mục đầu tư của mình.

đầu tư cổ tức -hinh7

Nguồn: Sự nguy hiểm của việc đa dạng hóa danh mục đầu tư quá mức – Investopedia

Vấn đề với việc nắm giữ hơn 20 cổ phiếu là nó không làm giảm rủi ro một cách có ý nghĩa. Theo nghiên cứu của thuyết danh mục đầu tư hiện đại, các cổ phiếu bổ sung từ 20 trở đi chỉ làm giảm rủi ro của danh mục đầu tư khoảng 2.5%. Trong khi 20 cổ phiếu đầu tiên giảm rủi ro của danh mục tới 27.5%).

Cùng với đó, nắm giữ quá nhiều cổ phiếu còn làm giảm lợi tức kỳ vọng. Điều này có nghĩa là bạn phải mua thêm các doanh nghiệp ngày càng kém hấp dẫn.

Quan trọng hơn, việc sở hữu nhiều cổ phiếu làm giảm đáng kể lượng thời gian dành cho việc phân tích. Và điều đó có thể làm giảm chất lượng phân tích của bạn.

Con số này nên cô động tuỳ theo cấu trúc vốn và mục tiêu lợi nhuận. Với tôi, việc nắm giữ từ 5 – 10 công ty là hợp lý.

Bước tiếp theo hướng tới đa dạng hóa khôn ngoan là đảm bảo chúng ta không đầu tư quá mức vào bất kỳ ngành nào.

Đa dạng hóa nhiều ngành

Việc đầu tư vào 5 đến 10 công ty khác nhau là hoàn toàn tốt. Nhưng nếu tất cả các công ty đó đều hoạt động trong cùng một ngành, họ sẽ phải đối mặt với những rủi ro ngành tương tự nhau.

Rủi ro sẽ giảm nhiều hơn nếu các khoản đầu tư được trải rộng trên nhiều ngành. Chẳng hạn như hàng không, bán lẻ, tiện ích, công nghệ,…

Những ngành này có các rủi ro cụ thể khác nhau. Bằng cách trải rộng các khoản đầu tư của bạn trên nhiều ngành, bạn có thể giảm đáng kể tác động của những rủi ro đó.

Mức độ chính xác của đa dạng hóa ngành là tùy thuộc vào từng nhà đầu tư quyết định. Cá nhân tôi sẵn sàng tập trung hơn một chút vào một lĩnh vực nào đó.

  • Nguyên tắc: Không có nhiều hơn hai cổ phiếu hoạt động trong cùng một ngành, với mô hình kinh doanh giống nhau.

Bước 5: Cân bằng lại danh mục đầu tư cổ tức một cách thường xuyên để cải thiện lợi nhuận

đầu tư cổ tức -hinh8

Bước cuối cùng trên hành trình xây dựng danh mục đầu tư cổ tức là hiểu được sức mạnh của việc tái cân bằng.

Như đã đề cập, bạn nên có giới hạn tỷ trọng tối đa và tỷ trọng tối thiểu của một cổ phiếu trong danh mục đầu tư của bạn.

Một cách đơn giản để thực hiện tái cân bằng là cắt bớt vị thế của những cổ phiếu đã vượt quá mức tỷ trọng tối đa. Với số tiền thu được sẽ sử dụng để bổ sung cho các cổ phiếu có tỷ trọng thấp, với mức định giá vẫn còn hấp dẫn.

Nguyên tắc tái cân bằng quy mô vị thế đang hoạt động của các cổ phiếu trong danh mục buộc chúng ta phải bán cao và mua thấp, điều này đưa chúng ta về gần với nguyên lý đầu tư ban đầu.

Đây là tổng quan khá chi tiết về cách tiếp cận chiến lược đầu tư cổ tức. Hy vọng bạn đã tìm thấy một số ý tưởng hữu ích trong đó và giúp bạn tránh được một số sai lầm trong đầu tư của mình.  

Tóm lại, các nguyên tắc cơ bản là luôn suy nghĩ như một chủ doanh nghiệp và:

  1. Xác định cổ phiếu cổ tức tăng trưởng chất lượng
  2. Ước tính giá trị hợp lý
  3. Mua khi có biên độ an toàn
  4. Đa dạng hóa khôn ngoan để giảm thiểu rủi ro
  5. Tái cân bằng để cải thiện lợi nhuận

TDStock

Tác giả

1 thought on “5 Bước Tiếp Cận Với Chiến Lược Đầu Tư Cổ Tức

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *