Mục lục bài viết
Tiếp nối chuỗi bài viết về chiến lược Đầu tư cổ tức. Bài viết này sẽ đề cập những kiến thức cơ bản về cổ phiếu trả cổ tức mà nhà đầu cần biết.
1. Các hình thức trả cổ tức, thuế cổ tức chứng khoán
Hình thức trả cổ tức gồm: Trả cổ tức bằng tiền và trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ tức thưởng (bản chất giống trả cổ tức bằng cổ phiếu). Ngoài ra còn quyền mua cổ phiếu ưu đãi.
Cổ tức bằng tiền: Làm giảm lượng tiền của doanh nghiệp trong việc kinh doanh.
Cổ tức bằng cổ phiếu: Phát hành thêm cổ phiếu để trả cho cổ đông thay vì tiền mặt, nhằm giữ lại tiền cho hoạt động kinh doanh của mình.
Thuế cổ tức chứng khoán: Khi nhận cổ tức, bạn sẽ bị đánh thuế 5%.
2. Nhược điểm của cổ phiếu trả cổ tức
Nhược điểm của trả cổ tức bằng tiền mặt:
1. Chịu thuế 2 lần. Lần đầu là thuế thu nhập doanh nghiệp (20-22%). Tuỳ ngành nghề và đặc thù vùng miền sẽ có những ưu đãi về thuế riêng.
Thuế thứ 2 là thuế thu nhập cá nhân cho phần trả cổ tức là 5%. Công ty trả cổ tức 2,000 đồng, bạn chỉ nhận được 1,900 đồng.
2. Đối với các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và có nhu cầu mở rộng cao, trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ khiến doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền để tái đầu tư. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Nhược điểm của trả cổ tức bằng cổ phiếu:
1. Vì vốn hoá không đổi, chia cũng như không chia. Trong khi đó, nhà đầu tư phải chờ 2-3 tháng để cổ phiếu mới phát hành về tài khoản.
2. Có khi dính thêm cổ phiếu lẻ, khó bán được và thậm chí phải trả thuế.
3. Những chỉ số liên quan đến cổ tức mà nhà đầu tư cần biết
Tỷ suất cổ tức (Dividend Yield)
Tỷ suất cổ tức cho biết công ty trả cổ tức bao nhiêu so với thị giá. Tỷ suất cổ tức là tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt chia cho giá cổ phiếu.
Công thức như sau:
Tỷ suất cổ tức = Cổ tức bằng tiền/ Thị giá
Thông thường, nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao hơn lãi suất ngân hàng. Đây là cách đơn giản cho nhà đầu tư mới. Lưu ý rằng, dòng cổ tức cần phải ổn định qua nhiều năm.
Nhiều nhà đầu tư sẽ có sự nhầm lẫn giữa tỷ suất cổ tức và chỉ số sau.
Ví dụ: Cổ phiếu XYZ có thị giá 200,000 đồng.
NĐT nghe nói công ty XYZ trả cổ tức cao đến 30%/năm. Nghĩa là 30% của mệnh giá, và mệnh giá ở đây là 10,000 đồng. Nên cố cổ tức bằng tiền 30% sẽ là 3,000.
NĐT tưởng bở, đinh ninh rằng cổ tức 30% của thị giá, 30% của 200,000 đồng là 60,000 đồng. Không cao ngất ngưởng như vậy đâu.
Dù thị giá là bao nhiêu đi nữa, thì cổ tức bằng tiền a% cũng chỉ là a% x 10,000 đồng.
Trên thị trường chứng khoán, nếu chăm chỉ nghiên cứu, bạn sẽ tìm thấy được một số cổ phiếu có tỷ suất cổ tức hấp dẫn. Có thể từ 10-14%. Rõ ràng hấp dẫn hơn nhiều so với mức gửi ngân hàng 6.5%/năm.
Tỷ lệ thanh toán (Payout ratio)
Tỷ lệ thanh toán được tính bằng cách chia số tiền công ty dành để trả cổ tức cho thu nhập ròng. Tỷ lệ này thể hiện số tiền mà công ty trả cho các cổ đông bằng bao nhiêu phần so với thu nhập của nó.
Công thức:
Tỷ lệ thanh toán = (Cổ tức bằng tiền mặt / Lợi nhuận ròng) x 100%.
Tỷ lệ này tốt hoặc bền vững, thì phải nhỏ hơn 1
Nếu tỷ lệ này lớn hơn 1, tức là công ty trả nhiều hơn số tiền mà họ kiếm được. Điều này có thể không bền vững trong dài hạn. Nhà đầu tư cần cẩn thận khi đầu tư cổ tức vào những cổ phiếu như thế này.
4. Quy trình trả cổ tức
Ngày Giao Dịch Không Hưởng Quyền (Ngày GDKHQ):
Ngày giao dịch mà cổ đông mua chứng khoán sẽ không được hưởng các quyền lợi của cổ đông như: Quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự ĐHĐCĐ…
Ngày Đăng Ký Cuối Cùng:
Ngày chốt danh sách khách hàng chứng khoán, là ngày tổ chức phát hành lập danh sách người sở hữu chứng khoán với mục đích thực hiện các quyền cho cổ đông.
Tại ngày chốt danh sách, nếu NĐT có tên trong danh sách người sở hữu chứng khoán sẽ được nhận các quyền của mình như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm…
Thanh Toán Thời Gian T+2:
Theo quy định hiện nay, với các giao dịch bình thường, thời hạn thanh toán là T+2. Nghĩa là thời hạn thanh toán là 2 ngày làm việc (trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ).
Cụ thể là thời gian từ ngày giao dịch (mua/bán) đến ngày nhận được chứng khoán hoặc tiền là 2 ngày (ngày giao dịch tính là ngày T+0).
Do đó:
Nhà đầu tư mua cổ phiếu vào ngày làm việc liền trước ngày đăng ký cuối cùng sẽ không có tên trong danh sách cổ động. Vì giao dịch chưa được thanh toán, do vậy sẽ không được hưởng quyền.
Như vậy, NĐT mua chứng khoán trước ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ có tên trong danh sách được hưởng quyền.
Nếu mua từ ngày giao dịch không hưởng quyền trở về sau, NĐT sẽ không có tên trong danh sách hưởng quyền.
Chỉ cần cổ đông có tên trong danh sách vào ngày chốt quyền, cổ đông đó đương nhiên sẽ được hưởng quyền lợi, không kể cổ đông đó đã sở hữu cổ phiếu từ lâu hay chỉ mới được ghi tên vào trước ngày chốt quyền.
Ví dụ: Vào ngày 18/09, VNM công bố tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 20% mệnh giá (2,000 đồng). ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 25/09 (thứ 6) và ngày đăng ký cuối cùng là ngày 28/9 (thứ 2).
Như vậy, vào ngày 28/9, tất các cổ đông có tên trong số đăng ký cổ đông của VNM sẽ được quyền nhận cổ tức như trên.
Vì áp dụng thời gian thanh toán theo quy định T+2 (trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ), ngày giao dịch không hưởng cổ tức là ngày 25/9. Nhà đầu tư nào mua cổ phiếu từ ngày 25/9 trở đi sẽ không được quyền hưởng cổ tức lần này.
* Bài viết có thể bạn quan tâm:
TDStock